Địa danh huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ gắn liền với quê hương của Hải đội Hoàng Sa mà đảo tiền tiêu này còn nức tiếng với sản vật hành tỏi có hương vị đậm đà, thơm ngon không đâu sánh bằng.
Các loại cây gia vị như hành, tỏi vốn dĩ là sản phẩm nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ dọc theo các con sông, nhưng có lẽ từ lâu, cây hành, tỏi đã vượt sóng ra đảo Lý Sơn, bám rễ trên cát để rồi trở thành một đặc sản nức tiếng cả nước.
Từ khi các bậc tiền nhân ra khai phá đảo Lý Sơn cách đây gần 400 năm chỉ thấy một loài cây duy nhất sống được trên hòn đảo đầy sóng gió này là cây ré, một loại cây họ gừng mọc hoang, nên huyện đảo Lý Sơn còn có tên gọi khác là Cù Lao Ré. Họ mang theo cây hành, tỏi ra trồng làm gia vị phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đây là loài cây thứ 2 bám rễ ở Lý Sơn mà lại mang hương vị cay lạ, thơm ngon đặc biệt nên ngoài hai tên gọi trên, đảo còn được mệnh danh là “vương quốc” hành tỏi.
Ông Võ Hiển Đạt ở xã An Vĩnh kể rằng, trước năm 1975, cây hành tỏi trên đảo Lý Sơn chỉ trồng ở vườn nhà với diện tích nhỏ lẻ. Sau giải phóng, củ hành, củ tỏi Lý Sơn theo thuyền những ngư dân đánh cá về đất liền và được người dân xứ Quảng ưa chuộng vì có hương vị lạ, thơm ngon hơn hẳn hành tỏi trồng ở đất liền. Vì thế, người dân mới khai hoang mở mang diện tích trồng. Đến bây giờ hành tỏi đã trở thành sản vật nổi tiếng gắn với tên đảo Lý Sơn.
Tìm hiểu nghề trồng hành tỏi chúng tôi mới biết, ít có loài cây nào trồng gian nan và vất vả như cây hành, cây tỏi được trồng trên hòn đảo nằm ngoài Biển Đông này. Chẳng thế mà ông Nguyễn Văn Minh ở xã An Hải nói với chúng tôi rằng: “Nghề trồng hành tỏi ở đây công phu và cũng cực lắm mấy chú à!”.
Được biết, đảo Lý Sơn được hình thành từ thời tiền sử trên sự phun trào của 5 ngọn núi lửa đã nguội. Vì thế, diện tích gần 1000ha của đảo chỉ toàn là đá dung nham nguội, cát và san hô ở bờ biển. Vì thế, muốn có cát để trồng, người ta phải dùng máy hút cát ở những rạn san hô ngoài bờ biển rồi đổ vào cánh đồng dưới chân hai ngọn núi lửa đã nguội là Thới Lới và Giếng Tiền. Cát sau đó được san thành nhiều lớp, sau đó dùng tay xới cho tơi xốp rồi mới gieo trồng. Hành tỏi ở Lý Sơn thường được trồng vào khoảng tháng 9-10 và thu hoạch vào tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, để cây tỏi, cây hành tím bám rễ, sinh trưởng trên cát biển là cả một quá trình đổ mồ hôi của những người nông dân giữa biển. Ông Minh cho biết thêm, từ khi trồng đến ngày thu hoạch ngoài bón phân, ngày nào cũng tưới nước ngọt 2 lần vào buổi sáng và chiều để trung hòa độ mặn của nước biển ngấm vào. Chỉ cần quên tưới một buổi thì cây sẽ bị nhiễm mặn mà chết, lúc đó công sức sẽ đổ xuống biển. Chính vì thế để có một luống hành tỏi cho thu hoạch thì mất gần nửa năm chăm bẵm tưới tắm.
Có lẽ vì cây hành tỏi ở đây trồng vất vả như thế nên cây cũng không phụ công người. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng tỏi dưới chân núi Thới Lới chạy dài ra gần tận bờ biển, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn hồ hởi khoe rằng: “Huyện đảo chúng tôi đã phát triển được hơn 300 ha đất trồng hành tỏi, tức chiếm khoảng 1/3 diện tích của cả đảo. Mỗi vụ Lý Sơn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 5 nghìn tấn hành tỏi khô, mang về một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cư dân trên đảo”.
Đặc biệt, sản phẩm tỏi Lý Sơn được ví như “vua” các loài tỏi và được gọi bằng cái tên mỹ miều là “tỏi ngọc”, vì khi bóc ra tép tỏi có màu trắng bóng như màu ngọc trai.
Năm 2009, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận thương hiệu cho sản phẩm hành tỏi Lý Sơn và đó là tiền đề để mặt hàng nông sản này mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói, cùng với nghề đi biển, trồng hành tỏi cũng là một thế mạnh giúp nhân dân huyện đảo Lý Sơn yên tâm bám biển phát triển kinh tế.